“Không phải huyền thoại” là cuốn tiểu thuyết lịch sử đầu tiên về đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Tôi đã dành hai ngày cuối tuần để đắm chìm mình trong cuốn sách này như mình là một người may mắn được chứng kiến toàn bộ cuộc chiến, để hiểu được vì sao Việt Nam – một đất nước nghèo nàn, nhỏ bé lại có thể chiến thắng được thực dân Pháp với một thắng lợi hoàn toàn thuộc về Nhân Dân Việt Nam. Trọng tâm của cuốn sách là chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 nhưng tác giả đã bắt đầu kể về những cuộc chiến của chúng ta từ năm 1946 sau khi Miền Bắc ta được giải phóng. Bởi vì để có được chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 thì từ gần 1 thập kỷ trước đó, chúng ta đã cùng nhau chuẩn bị cho một cuộc chiến toàn Đảng toàn dân hoà làm một, cùng chung sức đồng lòng để tạo nên một bước ngoặt lịch sử dân tộc.
Dưới đây là Ba bài học lớn mà tôi sẽ khắc ghi những lời dạy từ thế hệ ông cha.
- Learning by doing: Học tập thông qua làm việc, rút kinh nghiệm và tìm ra bài học mới sau mỗi lần trải nghiệm thực tế
Bác Giáp là một giáo viên lịch sử, chưa qua bất kỳ một trường lớp quân sự nào, nhưng 30 năm “learning by doing” đã giúp người trở thành một thống soái quân sự dẫn dắt quân và dân ta dành chiến thắng Điện Biên Phủ vang dội toàn cầu. - Tư duy mở : Luôn luôn lắng nghe, chấp nhận ý kiến của người khác, từ đó suy nghĩ, phân tích và tìm ra những phương pháp hoàn thiện nhất.
Điều này đã giúp bác thay đổi chiến thuật “Đánh nhanh thắng nhanh” sang “Đánh chậm thắng chắc” giúp chúng ta tránh được cuộc chiến không cân sức với thực dân Pháp theo cách chúng muốn. Từ đó đưa chúng ta dành thắng lợi vẻ vang sau 56 ngày đêm chiến thắng Điện Biên Phủ. Ngoài ra, với tư duy mở, Bác liên tục có cuộc nói chuyện với những chiến sỹ trực tiếp ra chiến trường để học những kinh nghiệm hay, tìm cách giải những khó khăn gặp phải, giúp Người tìm ra những chiến thuật sáng tạo, giúp chúng ta đánh vào yếu điểm của địch một cách hiệu quả. - Cặm cụi
Từ “cặm cụi” này tôi học được từ anh Nguyễn Hiếu TV, tuy nhiên tôi thấy rất phù hợp với cuộc chiến tranh toàn dân năm 1954 tại Điện Biên Phủ.
Toàn quân dân “cặm cụi” mở đường, phá núi ;“cặm cụi” chở lương thực, vũ khí đặc biệt là vận chuyển những khẩu pháo 2-3 tấn lên núi phục vụ cho trận chiến. Bộ đội “cặm cụi” đào những chiến hào dài hàng trăm Km trong nhiều tháng trời để dần dần siết chặt vòng vây. Các tiểu đoàn, trung đoàn, đại đoàn “cặm cụi” mỗi ngày cố gắng tiêu diệt sinh lực của địch từng chút một, để từ đó tạo nên nỗi sợ vô hình ngày một lớn với quân lính Pháp khiến chúng không chỉ tiêu hao lực lượng mà còn hao mòn ý chí chiến đấu. Đó chính là sự “cặm cụi”, bền bỉ, đoàn kết của tất cả dân tộc mà thực dân Pháp đã không lường trước được.
Tôi chợt thấy tiếc nuối vì những năm tháng học sinh đã không yêu thích môn học lịch sử để rồi giờ đây, khi đọc cuốn sách này, tôi như một người mù được nhìn thấy những tia sáng đầu tiên. Tia sáng của lòng biết ơn, sự khâm phục và những bài học mà ông cha ta đã để lại trong lịch sử hào hùng của dân tộc!
Đi đâu xa khi chính những người Thầy là Ông cha ta, là lịch sử của đất nước ta, là hơi thở của dân tộc ta!
Hằng Nguyễn
Keep yourself balanced and Stay focused