MỘT CUỐN SÁCH HAY VỀ TÂM LÝ!
Tôi đã đặt ngay cuốn sách này khi chị Kim Oanh thông báo Pre-order đầu tiên và vô cùng háo hức chờ đón! Đã nhiều tháng sau khi tôi đọc xong cuốn sách này, tuy nhiên nhân dịp tôi đang mong muốn luyện tập kỹ năng viết và review sách nên tôi muốn chia sẻ với mọi người cuốn sách này. Có lẽ nó không quá nổi tiếng và rầm rộ, nhưng cuốn sách này thật sự nên được chia sẻ cho nhiều người biết để giúp chúng ta có thể thấu hiểu bản thân và tự chữa lành những vết thương của mình.
“Think Clean” giúp tôi tự trả lời câu hỏi tại sao tôi lại có những suy nghĩ, cách phản ứng, tính cách ở những tình huống, câu chuyện khác nhau. Qua đó cũng giúp tôi hiểu hơn những người xung quanh, xây dựng góc nhìn bao dung, yêu thương hơn với những hành động, phản ứng của người khác mà nếu trước đây, có lẽ tôi đã cảm thấy khó chịu và không hài lòng.
Cuốn sách này dành cho ai? Những ai đang gặp khó khăn với các mối quan hệ xung quanh mình hay vật lộn trong việc thấu hiểu chính bản thân mình, nếu không ngại nhiều chữ, thì hãy dành thời gian đọc qua review này rồi quyết định xem có nên mua sách không nhé
Điều đầu tiên ấn tượng với tôi đó chính là Tên cuốn sách: “Think Clean” – nghe thật lạ vì tôi chưa nghe đến bao giờ. Thêm nữa ảnh bìa ngoài của cuốn sách cũng làm tôi có đôi chút hơi khó chịu vì hình người quay ngược khiến cho mình cảm thấy thật không thuận mắt.
Về nội dung, thì tác giả khai thác một khía cạnh mà ngày nay thực sự là một vấn đề mà rất nhiều người gặp phải.
Bạn đã nghe đến từ “ Eat Clean”? – Tôi cá là 80-90% những người xem bài viết này đều biết đến. Vậy thì “Think Clean” thì sao?
Ngày nay, con người đang dần quan tâm nhiều hơn đến chăm sóc sức khoẻ, thì việc mà hầu hết chúng ta nghĩ đến đầu tiên đó chính là dinh dưỡng. Ta đầu tư hơn cho những thực phẩm đưa vào cơ thể từ chất lượng nguyên vật liệu, đến cách chế biến nó, ngoài ra quan tâm đến việc tìm kiếm các loại thực phẩm bổ sung để “điền vào chỗ thiếu” cho chế độ dinh dưỡng của mình. Vậy nên mấy năm trở lại đây, trường phái dinh dưỡng “eat clean” nhận được sự quan tâm rất lớn, tạo nên những cộng đồng ăn uống lành mạnh, chăm sóc sức khoẻ chủ động.
Tuy nhiên, có một khía cạnh mà rất nhiều người chúng ta bỏ qua, lãng quên hoặc có khi không nghĩ đến nó, đó chính là ngoài sức khoẻ thể chất, chúng ta còn có sức khoẻ về mặt tinh thần. “Khoẻ mạnh không phải là tình trạng không bệnh tật hay thương tật mà là trạng thái cân bằng và ổn định về mặt thể chất và tinh thần”. Mình cảm thấy rất thích thú khi tác giả dùng từ “Think Clean” để đặt tên cho quyển sách này và ngầm cảm thấy tác giả thật sự là một người rất thông minh và khéo léo. Khi cụm từ “Eat clean” đã được rất nhiều người biết đến, hiểu rõ về mục đích của nó, thì khi nói đến “Think Clean” sẽ làm cho chúng ta nghĩ ngay đến ý nghĩa của nó, tương tự như “eat Clean”. Tác giả muốn người đọc sẽ sàng lọc những thông tin ( nguyên liệu đầu vào) và xử lý nó một cách đúng cách (sàng lọc, chế biến) để có được một trạng thái sức khoẻ tinh thần thật sự khoẻ mạnh.
Về nội dung, bố cục cuốn sách được trình bày rất rõ ràng, khoa học. Đi về nguyên nhân gốc rễ vấn đề về những vấn đề sức khoẻ tinh thần chúng ta đang gặp phải, sau đó đưa ra nguyên nhân, giải pháp và các bài tập áp dụng một cách rõ ràng, dễ hiểu, dễ áp dụng. Để qua đó mỗi chúng ta bước qua dần mỗi cánh cửa, để thấu hiểu nội tại của mình. Ta ngẫm nghĩ lại về những điều đã xảy ra, lý giải nguyên nhân sâu xa cho những “hành vi” và “cảm xúc” của mình qua việc thể hiện rõ sự hình thành “niềm tin cốt lõi” của mỗi người như thế nào. Từ đó, như quay ngược quá khứ, đến hiện tại, chúng ta sẽ biết rõ mình nên làm gì tiếp theo để tìm thấy hạnh phúc thực sự của chính mình – hay chính là có được một tâm trí “khoẻ mạnh”
Có một thực tế là chúng ta dường như hiểu rất rõ những mối nguy, những vấn đề mà chúng ta gặp phải đe doạ “sức khoẻ thể chất” của mình. Nó có thể là những thứ hữu hình mà chúng ta nhìn thấy, cảm nhận thấy và được truyền thông hằng ngày hằng giờ để chúng ta ý thức được sự tồn tại của nó để trực tiếp né tránh, giảm thiểu nó. Nhưng với sức khoẻ tinh thần, dường như chúng ta vô cùng mơ hồ về những mối nguy mà tác giả gọi là “những sang chấn”. Việc chỉ mặt đặt tên rõ ràng những “ sang chấn” này giúp ta hiểu rõ hơn và lý giải hành vi, cảm xúc của chính mình, đồng thời cũng giúp chúng ta có những kiến thức đúng đắn để nuôi nấng sức khoẻ tinh thần của con trẻ một cách tốt hơn, tránh cho con gặp phải những “sang chấn” không nên có.
Tất nhiên những “sang chấn” chúng ta gặp trong cuộc đời, cũng là điều kiện cần có để chúng ta có một cuộc sống ý nghĩa và thấm thía những giá trị của hạnh phúc, nhưng đây sẽ là cuốn sách giúp chúng ta tự “khám bệnh” cho chính mình và có những lời chỉ dẫn để chúng ta tận hưởng hạnh phúc một cách trọn vẹn.
Nói tóm lại, đây là một cuốn sách về tâm lý must have. Bởi vì không đâu một cô gái lười như mình lại ngồi viết dài đến vậy
Cảm ơn vì đã đọc đến những dòng này!
Hằng Nguyễn
Keep yourself in balance and stay focused!